Khoa học đã chứng minh mẹ truyền lại cho con không chỉ nguồn gen
SKĐS - Người mẹ và trẻ sơ sinh có mối liên kết sâu sắc về dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học tại Abbott, kiến thức và kỹ năng cho con bú cùng một chế độ ăn giàu dinh dưỡng sẽ có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe của cả mẹ và bé.
Từ lúc được thụ thai, trẻ đã hình thành một liên kết mạnh mẽ với mẹ. Việc cho con bú là một trong những liên kết về cả thể chất và tinh thần quan trọng nhất giữa mẹ và bé.
Việc cho con bú mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài, không chỉ cho em bé mà còn cho cả người mẹ. Các chuyên gia y tế nhận định sữa mẹ có những lợi ích vượt xa dinh dưỡng cơ bản và khuyến nghị nên sử dụng như nguồn dinh dưỡng duy nhất cho em bé trong sáu tháng đầu đời.
Khởi đầu vững chắc
Sữa mẹ cho bé một xuất phát điểm khoẻ mạnh nhất. Không chỉ là nguồn thức ăn cho trẻ mà sữa mẹ còn là thuốc được cá nhân hoá cho thể trạng của trẻ, giúp bảo vệ trẻ khỏi các bênh thông thường.
Nhưng mẹ có thể làm gì để đảm bảo rằng mình có được nguồn sữa lý tưởng nhất cho con? Điều đó bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng của chính người mẹ.
Tiến sĩ Christina Sherry, nhà khoa học nghiên cứu về dinh dưỡng thai kỳ tại Abbott cho biết: “Dinh dưỡng tối ưu trước và trong khi mang thai là rất quan trọng để chuẩn bị cho cơ thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cao khi cho con bú. Trong thời gian cho con bú, dinh dưỡng tối ưu của người mẹ tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng đối với sữa mẹ. Ví dụ, loại chất béo mẹ tiêu thụ sẽ có ảnh hưởng tới thành phần chất béo trong sữa cho con bú. Các chất béo như omega 3 là rất cần thiết cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ”.
Trên thực tế, theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời có liên quan đến trí thông minh (IQ) cao hơn và lợi ích sức khỏe lâu dài hơn. Đặc biệt, sữa mẹ có ảnh hưởng lên khẩu vị của trẻ. Bà Sherry cho biết hương vị của các món mẹ ăn có thể được truyền qua sữa. Điều thú vị là, một số nghiên cứu cho thấy khi đã được nếm những hương vị truyền qua sữa, trẻ sẽ dễ ăn những vị đó sau này.
Lợi ích hai chiều
Việc cho con bú cũng có lợi cho mẹ. Nghiên cứu đã cho thấy, cho con bú giúp giảm nguy cơ ung thư vú và tiểu đường tuýp 2. Nó còn giúp người mẹ giảm cân sau sinh.
Dù có những lợi ích sức khỏe kể trên thì mới chỉ có 36% số phụ nữ trên thế giới cho con bú đến 6 tháng tuổi. Tiến sĩ Wong Boh Boi, chuyên gia giáo dục tiền sản có thâm niên tại Trung tâm Y tế Thomson, Singapore cho biết thời gian làm việc dài và thiếu nguồn dinh dưỡng có chất lượng là những lý do khiến các bà mẹ dừng cho con bú trước sáu tháng.
Trong số 9.611 bà mẹ được khảo sát trong thời gian từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 1 năm 2016, Tiến sĩ Wong phát hiện ra rằng có tới 35% các bà mẹ gặp tình trạng tiết ít sữa trong vòng 6 tuần sau sinh. Stress, cho bú hay hút sữa không thường xuyên và chế độ ăn uống không hợp lý có ảnh hưởng đến việc tiết sữa. “Thông thường, các bà mẹ cố gắng cho con bú theo sách vở, nhưng bản thân họ lại không có những hiểu biết đúng về cơ chế tiết sữa, sữa được sản xuất như thế nào, làm sao và nên ăn gì để duy trì sự tiết sữa”.
Đặc điểm của sữa mẹ: Có 3 giai đoạn của sữa mẹ trong quá trình tiết sữa, phản ánh nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh:
1. Sữa non: từ 0 - 4 ngày sau sinh: có chứa nhiều lutein và nhiều yếu tố miễn dịch, giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
2. Sữa trung gian: từ ngày 4 - 14 sau sinh: Có lượng lactose, chất béo và năng lượng cao hơn so với sữa non, giúp hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng và phát triển nhanh chóng của trẻ sơ sinh.
3. Sữa trưởng thành: từ ngày thứ 14 trở đi: bao gồm 90% nước, 8% hỗn hợp tinh bột, chất đạm, chất béo và 2% các vitamin và khoáng chất, sữa trưởng thành là nguồn dinh dưỡng lý tưởng để đảm bảo trẻ phát triển tối ưu.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Những kinh nghiệm truyền thống phương Đông
Kiến thức và kỹ năng cho con bú cùng một chế độ ăn giàu dinh dưỡng sẽ có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe của cả người mẹ và đứa bé. Tại Đông Nam Á, rất nhiều bà mẹ bổ sung những món ăn và thảo dược truyền thống có tác dụng nâng cao sức khỏe và tăng tiết sữa. Theo Tiến sĩ Wong, dưới đây là những “báu vật châu Á” dành cho các bà mẹ:
- Cây kỷ tử: có hàm lượng lutein cao, giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ
- Cháo cá đu đủ xanh: giàu đạm, canxi và các vitamin tăng cường sức khỏe cho mẹ sau sinh
- Cỏ cà ri: giúp tạo tuyến sữa để sản xuất sữa
- Nhân sâm: giúp phục hồi cơ thể người mẹ sau sinh
- Bồ công anh: cải thiện lượng sữa
- Hoa hồng khô: Cải thiện tinh thần người mẹ
*Lưu ý: Luôn tư vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi thêm bất cứ thành phần nào vào thực đơn của mình.
Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt, là điều kiện tiên quyết để mọi người ở mọi độ tuổi có thể có cuộc sống trọn vẹn nhất. Chuyên mục “Dinh dưỡng cho cuộc sống trọn vẹn” do Báo Sức khỏe & Đời sống kết hợp với Abbott Việt Nam - công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu thực hiện sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về dinh dưỡng, những kiến thức hữu ích về thực hành dinh dưỡng trong cuộc sống và điều trị bệnh, bao gồm các chủ đề dinh dưỡng cho phụ nữ; bà mẹ và trẻ em; dinh dưỡng cho người lớn tuổi và người bệnh; dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.
THANH TRÚC
No Comment to " Khoa học đã chứng minh mẹ truyền lại cho con không chỉ nguồn gen "